1. NỘI SOI ĐẠI TRÀNG LÀ GÌ?
Đây là một phương pháp thăm khám trực tiếp đại tràng (ruột già) nhờ vào một ống soi mềm nhỏ đường kính khoảng 1 cm, được đưa vào qua hậu môn.
Nội soi đại tràng là một phương tiện chẩn đoán hữu hiệu nhất đối với những bệnh lý của đại tràng. Thông qua hình ảnh mà máy soi đem tới, bác sĩ sẽ phát hiện được các bất thường đang xảy ra bên trong ruột để từ đó có chẩn đoán và phương pháp điều trị thích hợp. Ngày nay, nội soi đại tràng được coi là một trong những phương tiện tầm soát ung thư đại trực tràng tốt nhất.
Nội soi đại tràng là gì?
2. TẠI SAO PHẢI NỘI SOI ĐẠI TRÀNG?
Ống tiêu hóa là một cơ quan rất khó chẩn đoán bệnh lý. Các phương pháp hiện đại như siêu âm, chụp cắt lớp điện toán (CT) hay cộng hưởng từ (MRI) dù rất đắt tiền nhưng không có giá trị chẩn đoán bệnh lý ống tiêu hóa. X-quang đại tràng bằng cách bơm baryt có thể dùng trong một số trường hợp nhưng vẫn không chính xác bằng nội soi. Nội soi giúp phát hiện ra những tổn thương rất nhỏ mà các phương pháp khác không thể chẩn đoán được. Ngoài ra, soi đại tràng có thể dùng để cắt polyp (polyp là nguyên nhân thường gặp gây chảy máu khi đi ngoài và hóa thành ung thư) hay cắt ung thư sớm.
Như vậy, nội soi đại tràng chủ yếu để tìm ra nguyên nhân gây ra máu trong phân, tiêu chảy, đau bụng, viêm đại tràng hoặc một số triệu chứng bất thường trong đại tràng.
3. NHỮNG AI PHẢI SOI ĐẠI TRÀNG ?
Chỉ định soi đại tràng tương đối rộng rãi. Hầu hết các bệnh nhân nghi ngờ có vấn đề ở đường tiêu hóa dưới đều được chỉ định soi đại tràng. Ngay cả khi chẩn đoán đã rõ ràng (viêm, loét hay u…) thì bệnh nhân cũng có thể được chỉ định nội soi đại tràng để lấy mẫu xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh hay tìm tế bào ung thư.
Trong trường hợp rối loạn chức năng đại tràng, viêm đại tràng mãn tính, các bác sĩ vẫn có thể chỉ định soi đại tràng để chắc chắn loại trừ khả năng bị ung thư.
Hiện nay, do tỷ lệ bị ung thư đại tràng ở nước ta khá cao, tất cả những người trên 45 tuổi đều nên soi tầm soát ung thư từ 1-3 năm một lần. Các bệnh nhân lớn tuổi và kèm yếu tố nguy cơ cao như có tiền căn polyp, tiền sử gia đình bị ung thư đại tràng nên thực hiện nội soi mỗi năm một lần. Nói chung, chỉ định nội soi đại tràng cần phải chặt chẽ và có sự cân nhắc cẩn thận của bác sĩ điều trị.
4. NỘI SOI ĐẠI TRÀNG CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?
Nội soi đại tràng là một thủ thuật tương đối an toàn, ít tai biến. Do đại tràng dài và gập góc hoặc xoắn nên khi soi bệnh nhân cảm thấy đau.
Nội soi đại tràng có thể có biến chứng sau:
– Thường gặp nhất là cảm giác đầy bụng sau soi. Nguyên nhân là do bác sĩ phải bơm hơi vào trong ruột để quan sát rõ tổn thương. Cảm giác này sẽ hết nhanh chóng sau 1-2 giờ.
– Biến chứng thủng ruột tuy hiếm gặp nhưng cũng có thể xảy ra do đại tràng bị xoắn vặn hoặc khi có tình trạng viêm nhiễm nặng làm vách ruột mỏng đi. Trong trường hợp này, bệnh nhân được theo dõi, điều trị bảo tồn bằng nội khoa hoặc phẫu thuật khâu chỗ thủng.
– Thủng đại tràng: Đây là biến chứng đáng sợ nhất, có thể do kỹ thuật soi, do cắt polyp không đúng kỹ thuật và do tình trạng viêm nhiễm nặng của đại tràng cũng như do thủng ruột thừa.
– Phản xạ dây thần kinh phế vị: Mạch chậm, hạ huyết áp, chân tay lạnh.
– Biến chứng liên quan tới gây mê
– Chảy máu sau thủ thuật
– Bắt nổ khi cắt polyp hoặc cầm máu bằng dao điện ở những bệnh nhân thụt tháo không tốt.
Nhìn chung, thủ thuật nội soi đại tràng khá an toàn và có thể được thực hiện cho cả bệnh nhân ngoại trú mà không cần phải nhập viện.
5. NỘI SOI ĐẠI TRÀNG CẦN CHUẨN BỊ NHƯ THẾ NÀO?
Việc chuẩn bị nội soi đại tràng là rất quan trọng để đảm bảo cho lòng ruột thật sạch và bác sĩ không bỏ sót tổn thương khi soi.
Quá trình chuẩn bị như sau:
– Ngày hôm trước khi soi: Ăn nhẹ, ít chất xơ
– Đối với bệnh nhân sử dụng Fortran: Buổi chiều uống hết 3 gói Fortran pha trong 3 lít nước.
– Đối với bệnh nhân sử dụng Fleet Phospho-Soda: Hòa chai thuốc trong 1 ly nước lớn (300ml) và uống. Trong khoảng thời gian 3 giờ tiếp theo phải uống đủ 3 lít nước (có thể dùng các nước giải khát không màu, không uống sữa).
– Cần hạn chế sử dụng các loại thuốc một thời gian trước khi nội soi đại tràng: Aspirin và các chế phẩm của Aspirin, Warfarin, Insulin, các chế phẩm của sắt.
– Từ lúc uống thuốc đến khi soi, bệnh nhân nhịn ăn hoàn toàn. Chỉ uống nước đường nếu thấy đói.
Với những chuẩn bị như trên, bệnh nhân sẽ đi tiêu nhiều lần ra nước trong cho đến khi ruột hoàn toàn sạch.
– Trong các trường hợp có cắt polyp, bệnh nhân cần thông tin cho bác sĩ về các rối loạn đông máu, các thuốc đang dùng nếu có.
– Bệnh nhân nên thông báo cho bác sỹ nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Nếu có tiền sử tổn thương về ruột (loét dạ dày, cắt ruột thừa…) cũng cần thông báo cho bác sỹ để được thăm khám cụ thể.
– Có nhiều trường hợp bệnh nhân sẽ được thụt tháo (rửa ruột) bằng cách đưa nước vào đại tràng qua đường hậu môn, đi cầu nhiều lần đến khi nước trong. Thủ thuật này mất khoảng 2 giờ và được thực hiện tại bệnh viện.
6. NỘI SOI ĐẠI TRÀNG THỰC HIỆN RA SAO ?
Nội soi được tiến hành ở phòng soi với ít nhất một bác sĩ và một điều dưỡng. Trước khi soi, bệnh nhân sẽ được thăm khám để đánh giá các tổn thương ở thấp nếu có. Thuốc tê được bôi một ít để làm bớt khó chịu khi đưa ống soi vào.
Lúc đầu, bệnh nhân soi ở tư thế nằm nghiêng bên trái. Máy soi được đưa qua hậu môn và dần dần đi sâu qua các đoạn ruột. Bệnh nhân có thể thấy khó chịu, chướng bụng hay đau do do bác sỹ bơm hơi vào để đại tràng giãn ra, dễ soi hơn, hãy thông báo cho điều dưỡng hay bác sĩ để điều chỉnh ngay. Khi cần sinh thiết, bác sĩ sẽ thực hiện nhanh và bệnh nhân sẽ không cảm thấy đau. Toàn bộ quá trình soi kéo dài từ 15 đến 30 phút, nhanh nhất nếu được sự hợp tác tốt của bệnh nhân. Đối với một số trường hợp khó, bệnh nhân có thể được tiêm thêm thuốc an thần hay giãn cơ để bớt khó chịu. Cảm giác này chỉ kéo dài tối đa 1 giờ sau khi nội soi.
Những hình ảnh nội soi đại tràng tại Phòng khám đa khoa Hải Phòng – 33 Kỳ Đồng.
8. CẦN CHÚ Ý GÌ SAU KHI SOI ĐẠI TRÀNG?
Bệnh nhân nên nghỉ ngơi một thời gian ngắn trước khi ra về.
Bệnh nhân có thể ghi nhận một số vấn đề thường gặp sau khi soi trực tràng:
– Cảm giác đau bụng ít hay cảm giác mót rặn.
– Bụng có cảm giác chướng hơi nhẹ.
Tuy nhiên, cảm giác này là bình thường và biến mất nhanh. Nếu bệnh nhân thấy đau nhiều hay rất khó chịu, cần báo ngay cho bác sĩ biết. Bác sĩ sẽ giải thích về các tổn thương ghi nhận và điều dưỡng sẽ hẹn ngày lấy kết quả sinh thiết nếu có. Cần lấy kết quả sinh thiết sớm vì điều này rất quan trọng để có chẩn đoán chính xác.
Hiện nay, viêm đại tràng là một trong những bệnh phổ biến nhất ở đại tràng mà có thể phát hiện thông qua nội soi đại tràng. Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh đại tràng là do ăn uống không hợp vệ sinh, nhiễm khuẩn, sinh hoạt không điều độ, căng thẳng, lo âu… Nếu không được điều trị tốt, bệnh có thể tiến triển thành mãn tính, gây nên nhiều biến chứng cực kỳ nguy hiểm như thủng đại tràng, xuất huyết đại tràng, thậm chí là ung thư đại tràng.
Biểu hiện của bệnh viêm đại tràng rất đa dạng. Bệnh nhân cảm thấy đau bụng, căng tức. Cơn đau thường xuất phát ở vùng hố chậu hai bên, vùng hạ sườn phải và trái hoặc đau lan dọc theo khung đại tràng, có khi khu trú ở vùng manh tràng giống như bị viêm ruột thừa hoặc có những tiếng óc ách lúc sờ nắn. Đau tăng sau khi ăn và trước khi đi đại tiện. Sau khi trung tiện hoặc đại tiện thì đau giảm hơn.
Đau bụng là biểu hiện thường gặp của bệnh viêm đại tràng
Người bệnh thường bị rối loạn tiêu hóa kéo dài, đi ngoài phân lúc táo, lúc lỏng và không thành khuôn, đi nhiều lần trong ngày, có thể đi ngoài ra máu có nhầy hoặc không. Bệnh nhân thường cảm thấy không thoải mái sau khi đi đại tiện, hay có cảm giác mót rặn muốn đi nữa. Người bị viêm đại tràng thường cảm thấy bị chướng bụng do lớp niêm mạc đại tràng bị tổn thương, nhu động giảm khiến các chất cặn bã ứ đọng lại, lượng thức ăn ở trên không được tiêu hóa hết, gây ra tình trạng đầy bụng khó tiêu, liên tục ợ hơi, xì hơi.
Ngoài các biểu hiện viêm đại tràng như trên, người bệnh còn có thể gặp các triệu chứng như: mệt mỏi, chán ăn, giảm trí nhớ, hay cáu gắt. Nếu bị bệnh nặng thì cơ thể dần trở nên suy nhược, sút cân.
Với phương pháp nội soi đại tràng thường thấy hiện tượng viêm niêm mạc, sức bền niêm mạc kém, có thể có các vết loét, ổ loét được phủ lớp nhầy trắng, xuất huyết, có các ổ áp xe nhỏ, vết sẹo xen kẽ các tổn thương.
Để điều trị dứt điểm bệnh đại tràng, ngoài việc làm giảm nhanh các triệu chứng như: rối loạn tiêu hóa, đau bụng, chướng hơi… thì các loại thuốc cần phải có công năng giúp phục hồi, tái tạo niêm mạc ruột bên trong, làm cho hệ vi khuẩn có ích trong đường ruột tăng lên, từ đó tăng cường được sức khỏe hệ tiêu hóa.
CHUYÊN KHOA TIÊU HÓA – PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HẢI PHÒNG – 33 KỲ ĐỒNG
Địa chỉ: 33 Kỳ Đồng- Quang Trung – Hồng Bàng – Hải Phòng.
Email: ytehanoi33kydong@gmail.com
Đặt khám: 0225 3530 838 – 0225 3839 337
Hotline: 0225 3530 838 – 0225 3839 337